Tín hiệu tích cực từ ngành gỗ

  Theo thống kê của Bộ Công thương, kết thúc tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ USD tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đang hồi phục.


Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tháng đầu năm
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, trong tháng 1/2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta. Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu (EU) trong tháng đầu năm 2024 đã nổi lên “điểm sáng”, đó là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hà Lan tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Lý giải hiện tượng này, một số chuyên gia ngành gỗ cho biết, do việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga nên Hà Lan đang có nhu cầu gia tăng nhập khẩu gỗ viên nén từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hà Lan hiện là một trong các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của Việt Nam trong EU. Tuy nhiên, Hà Lan cũng là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này thì việc đáp ứng tiêu chuẩn lại càng quan trọng.


Theo ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2024, đạt 1,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Ông Liêm đánh giá tín hiệu phục hồi của xuất khẩu gỗ đã bắt đầu từ những tháng cuối năm 2023. Cụ thể, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nội thất chỉ đạt 16 tỷ USD, giảm 14,6% so với năm 2022, song vẫn có những thị trường tăng trưởng tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy tăng 52%…

Đặc biệt, từ tháng 12/2023, sự phục hồi thể hiện rõ hơn khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nội thất ghi nhận mức tăng trưởng tới 10%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 1,1% của tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Rất nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như Áo tăng 371%, Ấn Độ tăng 291%, Chile tăng 273%, Cộng hòa Séc tăng 230%, Na Uy tăng 132%…

Còn ông Điền Quang Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 cũng cho biết, so với năm ngoái, hiện các đơn hàng cho quý I/2024 của DN đã “tạm ổn”. Theo ông Hiệp, mặc dù thị trường chung khó khăn nhưng Việt Nam có lợi thế đối ngoại rất tốt nên đối tác vẫn chọn chúng ta để mua hàng.

Rất khó đoán định thị trường
Đây là nhận định của các chuyên gia về thị trường xuất khẩu gỗ trong thời gian tới. Dù nhận định tháng 1 ngành gỗ có tăng trưởng khá song theo ông Liêm, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN.

Thực tế, ngoài yếu tố thị trường, ngành gỗ cũng đang chịu sức ép lớn từ chi phí vận chuyển. Hiện nay không chỉ cước tàu biển đi châu Âu bị đội lên mà ngay cả thị trường Mỹ cũng đã tăng trên 200% so với trước (tăng từ mức 1.000 USD/cont lên 4.000 USD/cont 40ft), trong khi đó cả 2 thị trường này đều là thị trường chủ lực của ngành gỗ Việt Nam. Một thách thức khác là thời gian giao hàng đang bị kéo dài hơn trước đây và số container quay lại cũng khan hiếm. Tất cả đang áp lực rất lớn cho DN.

“Đầu ra của sản phẩm gỗ vốn đã khó thì nay lại càng khó hơn và điều quan trọng với DN lúc này phải thận trọng, bình tĩnh để đưa ra chiến lược kinh doanh có hiệu quả” – ông Hiệp cho biết.

Kế hoạch đề ra trong năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Liên Minh nhận định, đây là một chỉ tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị tại một số nước đang lên cao, yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất nhập khẩu đều khó khăn. Trong bối cảnh đó, một trong những việc cấp thiết mà DN gỗ cần chú trọng là mở rộng những thị trường mới, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, xét về mức độ tiêu dùng, ngoài thị trường lớn nhất là châu Âu và Mỹ còn có Trung Quốc, Ấn Độ với mức tăng trưởng tới 300% và sau đó là các nước Trung Đông. Do đó, vẫn còn nhiều hy vọng về dư địa thị trường tiềm năng cho các DN Việt Nam.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Nguồn: Đại Đoàn Kết

Comments

Popular posts from this blog

Vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc về Long An

Xuất khẩu gỗ đạt hơn 4 tỷ USD trong 5 tháng

Ngành gỗ khởi động thị trường tín chỉ carbon